CÁCH LY Y TẾ ĐỐI VỚI CA BỆNH COVID-19 VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP TIẾP XÚC GẦN


Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính
phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19”, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt
Nam, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao trên phạm vi toàn quốc, nhằm
hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại các
cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
Y tế tổ chức việc cách ly y tế với các ca bệnh COVID-19 (F0) và những người tiếp
xúc gần (F1) phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương, cụ thể như
sau:
1. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định
COVID-19 (F1)
1.1. Việc xác định người tiếp xúc gần (F1) được thực hiện theo quy định tại
Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 về việc điều chỉnh định nghĩa ca
bệnh COVID-19 (Phụ lục kèm theo).
1.2. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định
COVID-19 (F1)
a) Những người đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng COVID-19 (được
ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức
khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít
nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm
được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):
Thực hiện cách ly y tế 05 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều
kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết
lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2
bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc
bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc
người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một
trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả
âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 05 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực
hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng;
chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác;
giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp)
thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
b) Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm
vắc xin phòng COVID-19:
Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều
kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết
lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2
bằng phương pháp PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc
bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 7 do nhân viên y tế thực hiện hoặc
người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một
trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả
âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 03 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực
hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng;
chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác;
giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp)
thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

2. Cách ly đối với các ca bệnh COVID-19
Thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022
của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cần phải đảm
bảo đồng bộ các biện pháp y tế, hành chính và kinh tế xã hội, được thực hiện
nghiêm túc, quyết liệt từ mỗi cá nhân, gia đình đến các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp,
trường học, địa phương. Công văn này thay thế Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của
Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã
khỏi bệnh COVID-19.
Đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan khẩn
trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu,
cập nhật, bổ sung, sửa đổi./.

Phụ lục: Định nghĩa người tiếp xúc gần (F1)
(Kèm theo Công văn số: /BYT-DP ngày tháng 02 năm 2022
của Bộ Y tế)
Người tiếp xúc gần (F1) được hướng dẫn tại Công văn số 11042/BYT-DP
ngày 29/12/2021 về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19.
Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
– Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với
da, cơ thể…) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong
cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang
trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét
hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang
trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng
hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi
khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền
được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính)
cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30.