Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Vậy, nếu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đã hết thì Tòa án có thụ lý giải quyết vụ án không?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì đã hết thời hiệu khởi kiện mà người khởi kiện nộp đơn khởi kiện thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện.
Theo Luật số: 65/2011/QH12 ngày 29 tháng 03 năm 2011 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì người khởi kiện nộp đơn khởi kiện khi đã hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án không trả lại đơn khởi kiện mà vẫn thụ lý vụ án sau đó ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do “Thời hiệu khởi kiện đã hết”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 và Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi 2011 thì khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án sẽ không xem xét giải quyết vụ án khi người khởi kiện có yêu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.
Như vậy, có nghĩa, nếu như không bên nào yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường.
Trường hợp Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Thay đổi của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về việc áp dụng thời hiệu đã tạo điều kiện cho người khởi kiện có “cơ hội” được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hơn so với Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Trường hợp cụ thể cần tư vấn, hỗ trợ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi).