VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam. Nhà nước đang áp dụng các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Vậy, người vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử lý như thế nào?
I. Xử phạt hành chính:
Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 447/QĐ-TTg Về việc công bố dịch COVID-19. Theo đó, COVID-19 là Bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế từ ngày từ ngày 15 tháng 11 năm 2020). Theo đó, một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
(Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP)
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
(Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (ví dụ: Không đeo khẩu trang).
(Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;
c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
(Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).

II.Xử lý hình sự:
Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tố cao đã ban hành Công văn số: 45/TANDTC-PC V/v: Xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh, cụ thể một số hành vi như sau:
1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
2. Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự:
a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;
b) Không tuân thủ quy định cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
3. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự.