ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA CON DẤU DOANH NGHIỆP

Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 thì doanh nghiệp phải làm thủ tục khắc dấu tại cơ quan công an và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Doanh nghiệp muốn có con dấu thứ hai thì phải được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được Quốc hội ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 thay thế Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11) có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 liên quan đến con dấu của doanh nghiệp. Theo đó, trừ các tổ chức, đơn vị được thành lập theo Luật chuyên ngành (như: Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác xã), các doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư được tự quyết định về số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

Tuy nhiên, Luật số: 59/2020/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13) lại có quy định khác mở hơn liên quan đến con dấu của doanh nghiệp. Theo đó, đối với các doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật doanh nghiệp thì dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Doanh nghiệp cũng tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.

Nghị định số: 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Về đăng ký doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 2021, thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp) cũng bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Doanh nghiệp cũng không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, địa vị pháp lý của con dấu doanh nghiệp đã có sự thay đổi qua các thời kỳ và hiện nay, con dấu của doanh nghiệp không còn được tầm quan trọng như trước.

(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Trường hợp cụ thể cần tư vấn, hỗ trợ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi).