NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CÓ ĐƯỢC GIỮ BẢN CHÍNH BẰNG CẤP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp Người sử dụng lao động yêu cầu Người lao động nộp bản chính bằng cấp để “giữ chân” Người lao động. Việc làm này của Người sử dụng lao động có vi phạm pháp luật hay không?

Bộ luật lao động 2012 cũng như Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thay thế Bộ luật lao động 2012) đều quy định một trong những hành vi Người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là: “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”.

Nếu vi phạm quy định trên, Người sử dụng lao động là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân nêu trên. Ngoài ra cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: “Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động” (theo quy định tại Điều 8 Nghị định số: 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 nhưng hiện nay chưa có văn bản thay thế).

Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý trong việc yêu cầu Người lao động cung cấp các giấy tờ khi giao kết, thực hiện Hợp đồng lao động, tránh việc vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính như nêu trên.

(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Trường hợp cụ thể cần tư vấn, hỗ trợ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi).